I. GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO LÀ GÌ?
Hiện nay, không có văn bản quy phạm pháp luật nào định nghĩa cụ thể về giấy phép quảng cáo. Tuy nhiên, có thể hiểu giấy phép quảng cáo là văn bản pháp lý do cơ quan có thẩm quyền cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi tiến hành quảng cáo hàng hoá, dịch vụ.
Tùy vào từng trường hợp, tùy vào sản phẩm, hàng hóa được quảng cáo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện quảng cáo sản phẩm dịch vụ phải xin giấy xác nhận nội dung quảng cáo hoặc giấy phép xây dựng công trình quảng cáo. Trong đó:
– Giấy xác nhận nội dung quảng cáo là văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu quảng cáo sản phẩm, dịch vụ khi đáp ứng các điều kiện nhất định.
Khi đáp ứng các điều kiện theo quy định và có nhu cầu quảng cáo sản phẩm, dịch vụ, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp hồ sơ đăng ký, cơ quan đăng ký sẽ thẩm định hồ sơ và cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
– Giấy phép xây dựng công trình quảng cáo là giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho các cá nhân, tổ chức khi các đối tượng này có nhu cầu xây dựng công trình quảng cáo và nộp hồ sơ xin giấy phép.
Trong nội dung bài viết này giấy phép quảng cáo chủ yếu sẽ đề cập đến giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
II. ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO
Bước đầu tiên để các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể quảng cáo sản phẩm là phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 20 Luật Quảng cáo 16/2012/QH13, cụ thể:
– Quảng cáo hoạt động kinh doanh hàng hoá và dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
– Quảng cáo cho các loại hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của hàng hóa, dịch vụ;
– Quảng cáo tài sản có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản;
– Quảng cáo cho hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
– Quảng cáo thuốc: thuốc phải được phép quảng cáo và có giấy phép lưu hành tại Việt Nam còn hiệu lực cùng tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;
– Quảng cáo mỹ phẩm: có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm;
– Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt khuẩn, diệt côn trùng dùng trong gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được Bộ Y tế cấp;
– Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ em phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng trong nước; nếu là sản phẩm nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành;
– Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm: có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan có thẩm quyền;
– Quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh: có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp;
– Quảng cáo trang thiết bị y tế: có giấy phép lưu hành nếu thiết trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị nhập khẩu;
– Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật: có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật;
– Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật: có giấy phép kiểm dịch thực vật được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;
– Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y: có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm;
– Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học dùng trong trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học dùng trong chăn nuôi: có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.
III. TRƯỜNG HỢP NÀO PHẢI XIN GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO?
Theo quy định tại Luật Quảng cáo và Thông tư 09/2015/TT-BYT, các trường hợp phải xin giấy phép quảng cáo bao gồm:
– Quảng cáo sản phẩm quảng cáo là hàng hóa, dịch vụ đặc biệt;
– Quảng cáo trên bảng quảng cáo hoặc băng rôn;
– Xây dựng công trình quảng cáo.
Trên đây là bài viết của DNA INVEST về GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO LÀ GÌ? ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC CẤP GIẤY PHÉP QUẢNG CÁO? Nếu quý bạn đọc cần hỗ trợ tư vấn thêm hãy liên hệ ngay HOTLINE 0364.310.003