Đăng ký giấy chứng nhận đầu tư để thành lập công ty, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như thế nào?

ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

  1. Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài (100% vốn nước ngoài);
  2. Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, có:

– Nhà đầu tư nước ngoài chiếm trên 50% vốn điều lệ, hoặc

– Có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh.

QUY TRÌNH THỰC HIỆN

Bước 1: Làm thủ tục đăng ký giấy chứng nhận đầu tư;

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư gồm các giấy tờ sau:

– Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;

– Đề xuất dự án đầu tư;

– Hợp đồng thuê trụ sở, giấy tờ chứng minh quyền cho thuê của bên cho thuê (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có chức năng kinh doanh bất động sản của bên cho thuê hoặc các giấy tờ tương đương);

– Văn bản xác minh số dư tài khoản ngân hàng của nhà đầu tư nước ngoài tương đương hoặc nhiều hơn với số tiền đầu tư;

– Bản sao chứng minh nhân dân/thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân.

Đối với nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức cần cung cấp:

– Bản sao giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức nước ngoài;

– Bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của người đại diện phần vốn góp cho tổ chức đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

– Báo cáo tài chính trong vòng 2 năm gần nhất có kiểm toán của tổ chức nước ngoài (phải được hợp pháp hóa lãnh sự, còn hiệu lực trong vòng 90 ngày).

Lưu ý:

Các văn bản, báo cáo gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền được làm bằng tiếng Việt. Trường hợp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đầu tư có tài liệu bằng tiếng nước ngoài thì phải hợp pháp hóa lãnh sự, sau đó dịch thuật, công chứng sang tiếng Việt.

Nộp hồ sơ: Nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký đầu tư – Sở Kế hoạch và Đầu tư, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Thời hạn giải quyết: Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, Cơ quan đăng ký đầu tư kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đầu tư. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cơ quan đăng ký đầu tư ra thông báo hướng dẫn nhà đầu tư bổ sung hoặc chỉnh sửa hồ sơ nộp lại.

Bước 2: Sau khi có giấy chứng nhận đầu tư, thực hiện thủ tục đăng ký giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp gồm có:

– Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

– Điều lệ công ty;

– Danh sách thành viên (đối với công ty TNHH 2 thành viên trở lên) hoặc danh sách cổ đông sáng lập (đối với công ty cổ phần);

– Giấy ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ và nhận kết quả;

– Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của người được ủy quyền.

Nhà đầu tư là cá nhân cần cung cấp: Bản sao hợp lệ chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu của các thành viên, cổ đông sáng lập, của người đại diện theo pháp luật;

Nhà đầu tư góp vốn thành lập là tổ chức cần cung cấp: 

– Bản sao hợp lệ quyết định thành lập, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, tài liệu tương đương khác của tổ chức;

– Văn bản cử người đại diện theo ủy quyền; bản sao hợp lệ CMND/CCCD/Hộ chiếu người đại diện theo ủy quyền của thành viên là tổ chức.

Nộp hồ sơ: Nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch & Đầu tư nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính hoặc nộp online tại địa chỉ: https://dangkykinhdoanh.gov.vn/ thông qua tài khoản đăng ký kinh doanh hoặc chữ ký số công cộng. Tại nhiều tỉnh thành lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bình Dương, 100% hồ sơ đều được nộp qua mạng. Vì thế, nhà đầu tư cần tìm hiểu rõ để tiết kiệm thời gian và công sức.

Thời hạn giải quyết: Từ 5-7 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Đăng ký kinh doanh kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ và Cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Phòng đăng ký kinh doanh sẽ ra thông báo hướng dẫn nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung hồ sơ và nộp lại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *